Thứ năm, 09/05/2024

Thành phố Ninh Bình triển khai phương án phòng chống lụt bão năm 2013

Thứ ba, 16/02/2016 Đã xem: 13

Sáng ngày 24/4, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn Thành phố Ninh Bình  tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013...

Đồng chí Phạm Thanh Hà – Phó bí thư thành uỷ, chủ tịch UBND thành phố, trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh - UVBTV tỉnh uỷ, bí thư thành uỷ về dự chỉ đạo hội nghị.

Năm 2012, tình hình thời tiết nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp đã xảy ra 10 cơn bão và 5 cơn áp thấp nhiệp đới. Thành phố Ninh Bình chịu ảnh hưởng của hoàn lưu 2 cơn bão (Bão số 4, số 5) và chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 8. Do có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn các cấp, ban, ngành, đơn vị trong chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lập phương án, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực, sự chủ động tích cực khẩn trương ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời đã hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. Cơn báo số 8 đã ảnh hưởng hầu hết diện tích cây vụ đông mới gieo trồng, cụ thể: Ngô 85,5 ha, Khoai tây: 12,5 ha; khoai lang 25,5 ha; diện tích rau màu các loại: 164,6 ha; làm gẫy đổ 11 cột điện các loại, hư hỏng nhiều tuyến đường dây điện, làm đứt đường dây diện 110Kv trên địa bàn gây mất điện trên diện rộng; Làm đổ, gẫy trên 1.000 cây ăn quả và cây lấy gỗ, nhiều cột thu phát sóng, hệ thống đường dây phục vụ thu phát sóng bị đứt, biển quảng cáo, trang thiết bị bị hư hại….Do thực hiện tốt công tác chỉ huy điều hành, theo dõi diễn biến tình hình của bão số 8, chủ động triển khai ứng phó kịp thời nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 8, trên địa bàn thành phố không có thiệt hại về người. Thiệt hại do bão số 8 gây ra trên địa bàn thành phố khoảng 5 tỷ đồng.

Công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai được chú trọng. UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, các xã, phường tập trung khắc phục hậu quả sau bão, cắt tỉa cây đổ đề đảm bảo giao thông đi lại, khắc phục hệ thống đường điện và các công trình hư hỏng, tổ chức dọn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch phát sinh. Các HTX nông nghiệp tập trung điều tiết nước đảm bảo sinh trưởng cho cây trồng, hướng dẫn hỗ trợ nhân dân tiếp tục khôi phục sản xuất sau bão. Tập trung chỉ đạo, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhân dân để ổn định đời sống và sản xuất. Phân bổ 122.880.000 đồng hỗ trợ cho diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do bão số 8 gây ra.

Về hệ thống đê điều, trên địa bàn thành phố có 6 tuyến đê Trung ương và đê địa phương với tổng chiều dài 31.369 m. Trong đó tuyến đê Trung ương (đê hữu Đáy) dài 7.383 m, 5 tuyến đê địa phương có tổng chiều dài toàn tuyến là 23.986 m. Nhìn chung hệ thống đê sông trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua đã được Trung ương, tỉnh và thành phố đầu tư, nâng cấp đến nay đã cơ bản đủ khả năng chống lũ, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống lụt bão năm 2012 của thành phố cũng đã bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục, đó là: Việc cải tạo, nâng cấp, bảo trì, tu bổ, sửa chữa các công trình phòng chống lụt bão trên địa bàn còn chậm tiến độ do thiếu vốn đầu tư. Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão trên địa bàn chưa được xử lý dứt điểm, vẫn còn để xảy ra một số vụ việc vi phạm kéo dài ảnh hưởng đến dòng chảy, hành lang tiêu thoát nước và an toàn đê điều. Phương tiện, vật tư, lực lượng cứu hộ chưa được hiện đại hóa, tính chuyên nghiệp chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức phòng, chống thiên tai cho nhân dân còn hạn chế, chưa kịp thời; chất lượng dự báo, cảnh báo còn thấp và chưa lường hết các diễn biến phức tạp của thiên tai. Vẫn còn tình trạng chủ quan, chưa trú trọng thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão ở một số đơn vị và một bộ phận nhân dân.

Năm 2013, dự báo tình hình thiên tai tiếp tục diễn ra bất thường, phạm vi ảnh hưởng rộng. Do đó nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai  của thành phố cần phải tập trung, chủ động hơn, tránh chủ quan nhằm ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là do bão, áp thấp nhiệp đới gây ra. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo vệ an toàn tuyệt đối các tuyến đê, kè, cống, hồ đập, đặc biệt là các tuyến đê trọng điểm như đê Hữu Đáy; bảo vệ sản xuất và môi trường sinh thái. Thành phố thực hiện tốt phương án bảo vệ đê điều, giữ vững tuyến đê Hữu Đáy và các công trình trên đê với mức lũ sông Đáy tại Âu Vân là + 4,8m. Đảm bảo tiêu úng cục bộ và an toàn cho 1.322 ha lúa và hoa màu, chủ động tiêu úng nhanh, không để úng kéo dài, khắc phục mọi khó khăn nhằm bảo đảm an toàn khi lượng mưa ở mức 200 mm và hạn chế thiệt hại khi lượng mưa ên tới 250 mm trở lên trong 2 - 3 ngày liền. Chủ động phòng, chống bão, bảo đảm lan toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước trong trường hợp bão dưới cấp 10, hạn chế các thiệt hại trong trường hợp bão trên cấp 10. Đề phòng trường hợp cùng một lúc xảy ra mưa to, lũ, bão lớn, chủ động phòng, chống không để sự cố xảy ra bất ngờ.

 Tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn. Hoàn thiện phương án PCLB của thành phố, của các xã, phường, các đơn vị theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng PCLB và giảm nhẹ thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCLB trên các phương tiện thông tin đại chúng và đài truyền thanh 3 cấp. Từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai. Tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống bão, lũ, hộ đê, nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, cứu nạn. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ PCLB. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả bão, lụt, ổn định đời sống cho nhân dân, tái thiết và khôi phục sản xuất, môi trường sinh thái sau thiên tai. Tổ chức tốt công tác thường trực PCLB và TKCN theo quy định, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các diễn biến thiên tai. Đồng thời xây dựng 3 phương án để đối phó với mùa mưa bão như Chuẩn bị PCLB khi có bão và áp thấp nhiệt đới; PCLB, úng khi có mưa lớn; PCLB khi có mưa to, bão, lũ lớn, đê có nguy cơ bị đe doạ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh - UVBTV tỉnh uỷ, bí thư thành uỷ yêu cầu các cấp các ngành và toàn thể nhân dân thành phố phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Pháp lệnh phòng chống lụt bão và của Ban chỉ hủy PCLB và TKCN các cấp, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xẩy ra do thiên tai.

Kết luận hội nghị, chủ tịch UBND thành phố Phạm Thanh Hà – trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp trong việc triển khai đồng bộ các phương án và nhấn mạnh cần phải thực hiện tốt công tác phòng là chính. Đồng chí chủ tịch UBND thành phố yêu cầu trên cơ sở phương án của thành phố, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị để xây dựng phương án phòng chống lụt bão năm 2013 sát với thực tế. Làm tốt công tác tuyên tuỳen để tránh tư tưởng chủ quan trong cac cơ quan nhà nước và nhân dân, kiểm tra chặt chẽ phương án 4 tại chỗ./.

Xuân Lan - ĐTT

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
547062

Trực tuyến: 4

Hôm nay: 202

Hôm qua: 42