Thứ bảy, 27/04/2024
Lịch sử hình thành

Lịch sử hình thành Phường Thanh Bình

     Phường Thanh Bình nằm ở phía Đông Bắc thành phố Ninh Bình. Phía Bắc giáp sông Đáy xã Yên Bằng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), phía Nam giáp phường Nam Bình, phía Đông giáp phường Bích Đào, phía Tây giáp phường Vân Giang và phường Đông Thành.

     Vùng đất phường Thanh Bình được hình thành khá sớm. Cuối thế kỷ X còn là cửa biển, trải qua nhiều thế kỷ, được phù sa của hệ thống sông ở Bắc Bộ bồi đắp, “biển lùi đất tiến” vùng đất này được tạo thành, người dân trong và ngoài tỉnh đến khai khẩn lập nên. Từ thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn, nơi đây đã trở thành đô thị. Hành khách từ Bắc vào Nam, từ miền biển lên miền Tây Bắc đều qua đây và coi là trạm dừng chân để đi tiếp. Năm 1831, Nhà Nguyễn thành lập 18 tỉnh phía Bắc (từ tỉnh Quảng Trị trở ra), trong đó có tỉnh Ninh Bình, vùng đất phường Thanh Bình khi ấy đã là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh, gọi là tỉnh lỵ. Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, thị xã Ninh Bình được xây dựng lại chủ yếu trên vùng đất của phường Thanh Bình ngày nay. Đặc biệt từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (4/1975) và từ đầu năm 1992 tỉnh Ninh Bình được tái lập, thị xã Ninh Bình được xây dựng, mở rộng để trở thành thành phố, vùng đất phường Thanh Bình được quy hoạch và xây dựng ngày một đổi mới: Đường phố được mở rộng và nhựa hoá, bê tông hoá; nhân dân đến ở xây nhà cao tầng kiên cố; các cơ quan của tỉnh, thị xã đặt trụ sở làm việc; các trường học, khu văn hóa, nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, bến xe… được xây dựng mỗi năm một to đẹp hơn.

     Phường Thanh Bình được thành lập ngày 2/11/1996, có diện tích là 150,78ha Theo Nghị định số 69-NĐ/CP của Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trên cơ sở phường Đinh Tiên Hoàng được thành lập năm 1981 sau khi điều chỉnh thành phường Thanh Bình. Tháng 12 năm 1997, Uỷ ban nhân dân thị xã Ninh Bình bàn giao khu đất trên (10 ha) do phường Vân Giang thực hiện Kế hoạch dãn dân năm 1984 ở phố Vạn Xuân về phường Thanh Bình(1). Khi thành lập phường có 8 phố gồm: Tây Sơn, Vạn Phúc, Trần Kiên 1, Trần Kiên 2, Nam Sơn, Vạn Xuân, Ngọc Sơn 1 và Ngọc Sơn 2. Ngày 10/03/1999, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 29/QĐ-UBND thành lập và đổi tên một số phố (Trần Kiên 2 đổi thành Trần Phú; Ngọc Sơn 1 chia thành 3 phố là Ngọc Sơn, Ngọc Xuân, Ngọc Mỹ; Ngọc Sơn 2 đổi thành Phong Sơn, thành lập mới phố Thanh Sơn, Trung Sơn, Thuý Sơn) lúc này toàn phường Thanh Bình có 13 tổ dân phố. Ngày 28/5/2005, trên cơ sở Nghị định số 58-NĐ/CP của Chính phủ về mở rộng hành chính thị xã Ninh Bình sát nhập 6 xã của huyện Hoa Lư, quy hoạch lại một số phường xã. Để tăng cường công tác quản lý, sự chỉ đạo Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Uỷ ban nhân dân Thị xã phường Thanh Bình làm thủ tục bàn giao chuyển 4,5ha và 1.275 nhân khẩu của phố Phong Sơn và một phần của phố Vạn Xuân về cho phường Nam Bình quản lý. Thời điểm này, phường Thanh Bình có diện tích 157,4 ha(1). Ngày 21/12/2005, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra Quyết định  số 2862/QĐ-UBND chia tách (phố Tây Sơn thành Tây Sơn 1, Tây Sơn 2, Tây Sơn 3; phố Vạn Xuân thành Vạn Xuân 1, Vạn Xuân 2) lúc này phường Thanh Bình có 15 tổ dân phố. Ngày 12/8/2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 1505/QĐ-UBND chia tách (phố Trung Sơn thành Trung Sơn và Vạn Sơn; Thuý Sơn thành Thuý Sơn và Phúc Sơn; Nam Sơn thành Nam Sơn và Bắc Sơn) từ thời gian đó đến nay phường Thanh Bình gồm có 18 tổ dân phố.

    Trên vùng đất phường Thanh Bình thiên nhiên đã ban tặng nhiều cảnh đẹp thơ mộng, hữu tình. Đây là đặc điểm nổi bật của phường so với các phường trong thành phố. Phía Bắc có núi Non Nước (còn gọi là núi Dục Thúy) và núi Hồi Hạc. Núi Non Nước tọa ở ngã ba sông Đáy và sông Vân. Trên đỉnh núi có Nghênh phong các (lầu đón gió) được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII; có tượng đồng chí Lương Văn Tụy – người cắm cờ Búa Liềm trên đỉnh núi (năm 1929) chào mừng ngày kỷ niệm 11 năm Cách mạng tháng mười Nga thành công  và công bố với nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương(2) của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Trên vách núi có hơn 40 bài thơ, bài ký của các vua quan, nhà thơ, nhà văn  khi tới thăm quan cảnh đẹp non nước. Núi Hồi Hạc trước đây nằm ở khu vực tượng đài liệt sĩ của thành phố ngày nay. Năm 1949, giặc Pháp chiếm đóng thị xã phá núi xây đồn xây bốt. Phía Đông  có núi Cánh Diều, còn gọi là núi Ngọc Mỹ Nhân(1). Thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê lập đồn tiền tiêu trên đỉnh núi bảo vệ kinh thành Hoa Lư, thời kỳ thực dân pháp chiếm đóng đã  xây dựng đồn, bốt, canh gác bảo vệ yểm trợ cho các đồn, bốt ở Đồng Giao, Kim Sơn, Khánh Cư, Núi Gôi (Nam Định). Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc (1965-1968 và 1972), lực lượng vũ trang tỉnh và thị xã Ninh Bình lập đài quan sát trên đỉnh núi để canh gác, báo động cho các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu và nhân dân tìm nơi trú ẩn khi máy bay Mỹ đến đánh phá.

     Trên địa bàn phường có hai con sông chảy qua. Phía Bắc là sông Đáy, phía Tây là sông Vân, còn gọi là sông Vân Sàng, chảy suôi về phía Nam. Núi Thuý, sông Vân là biểu tượng thiên nhiên tươi đẹp của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt sông Vân không chỉ là dòng sông thơ mộng mà còn là dòng sông lịch sử Năm 982 Thái hấu Dương Vân Nga đã lập bến Ngự để đón vua Lê Đại Hành chiến thắng quân Tống trở về. Sông núi ở phường Thanh Bình vừa là thắng cảnh, nguồn cảm hứng để các văn nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật vừa là di tích lịch sử ghi tạc nhiều chiến công trong sự nghiệp dựng nước và chống giặc ngoại xâm của nhân dân, trong số đó núi Dục Thúy Sơn và Núi Ngọc Mỹ Nhân được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa, danh thắng lịch sử cấp quốc gia.

     Phường có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh gồm cả đường sắt, đường thuỷ và đường bộ, có Nhà ga xe lửa, bến xe khách, cảng đường sông do đó có thể khẳng định phường là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của Thành phố và của Tỉnh. Hệ thống đường chạy theo các tuyến phố, nối phường Thanh Bình với các phường khác trong thành phố, trong đó có những tuyến giao thông huyết mạch của cả nước như đường Lê Đại Hành (quốc lộ 10) chạy dọc bờ đông sông Vân, đường Lý Thái Tổ xuất phát từ ngã ba đường Lê Đại Hành (khu nhà Bảo tàng), chạy xuôi về phía Nam, gặp đường Hoàng Hoa Thám (cổng nhà thờ xứ đạo Ninh Bình). Phía đông và tây đường sắt là đường Nguyễn Văn Cừ và đường Ngô Gia Tự, đều xuất phát từ bờ đê sông Đáy, chạy xuyên qua cầu Vượt (Thanh Bình) sang phường Nam Bình. Đến nay, hầu hết các tuyến đường nội phố đều được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, rải thảm nhựa, bê tông hoá rất thuận tiện cho việc đi lại giao lưu trao đổi hàng hoá. Cùng với các tuyến giao thông huyết mạch, phường còn có nhiều cầu nối liền hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt. phía Bắc có cầu Non Nước bắc qua sông Đáy nối với xã Yên Bằng huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Phía Tây Bắc có cầu xi măng, nay gọi là cầu Vân Giang, nối phường Thanh Bình với phường Đông Thành, phường Vân Giang. Phía tây có cầu Chà Là (trước đây gọi là cầu Sắt) bắc qua sông Vân nối phường với khu trung tâm thương mại chợ Rồng, phường Vân Giang. Phía Tây Nam là cầu Lim, trước là cầu gỗ, đã được xây dựng cầu xi măng cốt thép. Phía nam là đường Nguyễn Công Trứ (trước là quốc lộ10 năm 1981 đặt tên là đường Đinh Tiên Hoàng) có cầu Vượt (Thanh Bình) qua đường sắt Bắc Nam, được xây dựng năm 2000 – 2001. Sông núi, cầu, đường ở phường có vị trí quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; là mạch máu lưu thông của Tỉnh và đất nước. Ở phía Tây Bắc do có núi, sông cảnh trí thơ mộng, thị xã xây dựng công viên, gọi là công viên Thúy Sơn làm nơi vui chơi nghỉ mát, tham quan du lịch. Cùng với cảnh đẹp của núi, sông tạo nên điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh hấp dẫn. Mỗi năm có hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Trên địa bàn phường được thiên nhiên ban tặng có sông, núi, ao hồ, khí hậu ôn hòa, cảnh trí tươi đẹp, đường giao thông thủy, bộ thuận tiện đã thu hút người dân nhiều nơi tập trung về đây sinh sống.

     Khi thành lập, phường Thanh Bình có số dân 9073 người, đến năm 2011 dân số của phường là 10.683 người. Ngày nay phần đông dân cư của phường là cán bộ, công nhân, viên chức… làm việc ở các cơ quan của Tỉnh, Thành phố, trong các nhà máy, xí nghiệp, các công ty,  doanh nghiệp và lực lượng vũ trang còn một số hộ gia đình kinh doanh, sản xuất, thương mại và  làm nghề thủ công mỹ nghệ.

Nhân trong phường chủ yếu theo tín ngưỡng dân gian thờ cúng ông bà tổ tiên và các anh hùng dân tộc, một số theo đạo Phật, có 28 hộ, với 114 người theo đạo Công giáo. Trên địa bàn phường có 6cơ sở thờ tự hoạt động tôn giáo trong đó 01 nhà thờ xứ đạo. Phía đông núi Cánh Diều có đền Đức Thánh Cả, phía tây núi Cánh Diều có đền Tiên Sơn Động. Đền Vân Thị ở phố Trần Kiên. Đền thờ Trương Hán Siêu – danh nhân văn hóa Việt Nam và chùa Non Nước ở chân núi Non Nước.

    Cũng như người dân trên mọi miền đất nước Việt Nam, nhân dân phường Thanh Bình xưa và nay có truyền thống yêu quê hương, đất nước, lao động cần cù sáng tạo, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Truyền thống đó luôn  được khơi dậy và phát huy trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trở thành sức mạnh to lớn trong công cuộc đấu tranh xây dựng bảo vệ quê hương, đất nước. Theo dòng lịch sử, trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, nhân dân trên vùng đất phường Thanh Bình ngày nay đóng góp sức người sức, của cùng quân, dân cả nước chống giặc bảo vệ nền độc lập. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, trước sự yếu hèn, bạc nhược của triều Nguyễn, quân Pháp lần lượt đánh chiếm các vùng trong cả nước, năm 1873 thực dân Pháp đánh chiếm Ninh Bình lần thứ nhất, năm 1883 quân Pháp đánh chiếm Ninh Bình lần thứ 2, trong cả hai lần quân Pháp tấn công, nhân dân thị xã Ninh Bình trong đó có nhân dân phường Thanh Bình đã cùng nhân dân trong Tỉnh đứng lên đánh quân Pháp xâm lược. Sau khi tỉnh Ninh Bình rơi vào tay thực dân Pháp, chúng thiết lập bộ máy cai trị và tiến hành khai thác bóc lột nhân dân ta. Tuy chịu cảnh nô lệ lầm than nhưng nhân dân sống trên vùng đất Thanh Bình luôn giữ trong mình tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đứng lên đấu tranh đánh đổ cường quyền áp bức giành lại tự do. Năm 1931, nhân dân thị xã tham gia hưởng ứng cuộc đấu tranh chống thuế của nhân dân huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư), huyện Gia Viễn. Tháng 8 năm 1945, Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra trong cả nước, nhân dân nơi đây dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình cùng với nhân dân trong tỉnh đấu tranh giành chính quyền ở thị xã thắng lợi. Cuộc tổng khởi nghĩa thành công, theo tiếng gọi của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, nhân dân đoàn kết, đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm giữ vững thành quả cách mạng.

     Không từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai ở Nam Bộ. Đến tháng 11/1946, chiến tranh lan ra miền Bắc, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng sơn. Tháng 12/1946, quân Pháp liên tục gây hấn ở Hà Nội. Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ ta phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho quân đội chúng và đe doạ nếu ta không thực hiện thì ngày 20/12/1946 chúng sẽ chuyển sang hành động.

     Trước tình hình không thể hoà hoãn với thực dân Pháp, trong hai ngày 18 và 19 tháng 12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

     Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Nhân dân thị xã Ninh Bình, trong đó có nhân dân trên địa bàn phường Thanh Bình tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không sợ gian khổ, hy sinh sẵn sàng đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân trên địa bàn phường Thanh Bình lúc bấy giờ tích cực thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Đảng, tản cư ra khỏi Thị xã, tự tay phá dỡ nhà cửa, làm vườn không nhà trống để quân Pháp không thể lợi dụng được, đánh sập các cầu bắc qua sông Vân, tháo gỡ đoạn đường xe lửa đi qua thị xã. Bên cạnh đó, nhân dân và dân quân du kích tiến hành đục tường thông nhà nọ sang nhà kia để cho lực lượng vũ trang cơ động đánh địch. Trên các bức tường phá dở nhân dân viết lên các dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Tự vệ thị xã Quyết tâm chiến đấu bảo vệ thành Hoa Lư”, “Quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng”. Cùng với hoạt động tiêu thổ kháng chiến, nhân dân thị xã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng bước vào cuộc đối đầu trực tiếp với địch. Trên các trục đường theo sông Vân và từ tỉnh Nam Định sang Thị xã, các lực lượng tự vệ của ta ngày đêm canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, đào hầm hào, đắp ụ chuẩn bị trận địa chiến đấu chống giặc.

     Năm 1947 và 1948 sau khi phá được vòng vây của ta ở thành phố Nam Định, quân Pháp dùng ca nô, tàu chiến chở quân theo dòng sông Đào, ngược sông Đáy đánh phá thị xã Ninh Bình. Quân ta tổ chức chiến đấu ở vị trí núi Non Nước, núi Hồi Hạc, dọc sông Vân đánh trả nhiều đợt tấn công của chúng, buộc phải rút về Nam Định. Trong cuộc chiến đấu đầu tiên này có hàng trăm anh em tự vệ thị xã, trong đó có con em trên địa bàn phường Thanh Bình tham gia. Họ là những chiến sĩ đầu tiên của Tỉnh, của Thị xã chiến đấu kiên cường bảo vệ thị xã Ninh Bình. Năm 1949 quân Pháp đánh chiếm thị xã Ninh Bình rất ác liệt nhiều lần tự vệ Thị xã làm nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội vượt sông đánh bốt ở nhà thờ Đại Phong (nhà thờ xứ Thành phố ngày nay), núi Hồi Hạc, núi Non Nước. Đầu mùa hè năm 1954, tự vệ đã cùng bộ đội tiến vào đánh địch, giải phóng Thị xã (ngày 30/6/1954).

     Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ gây sự kiện Vịnh Bắc Bộ, tạo trò “trả đũa” đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo quân dân miền Bắc đứng lên chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thị xã, nhân dân thị xã đi sơ tán để kháng chiến, thanh niên và những người còn sức khỏe đều xung phong vào tự vệ chiến đấu, các đội xung kích cứu tải thương; và các đơn vị phục vụ giao thông. Một số người tham gia đội phòng không, ngày đêm trên đài quan sát núi Cánh Diều, cảnh giới báo động máy bay Mỹ đến đánh phá, ai nhiệm vụ nấy, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ đến xâm lược. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại (1965-1968 và 1972), thị xã Ninh Bình bị bom đạn của giặc Mỹ hủy diệt, nhưng tinh thần chiến đấu “đánh Mỹ và thắng Mỹ” luôn được đề cao. Tinh thần đó thể hiện ở các trận đánh, ở các nơi phục vụ chiến đấu, bảo vệ cứu chạy hàng hóa, san lấp hố bom, làm đường cho xe ra tiền tuyến… Từ mùa xuân năm 1965, lớp lớp thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, phục vụ chiến đấu nhiều chiến sĩ lập nên chiến công hiển hách, một số anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam.

     Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cùng với nhân dân trong Tỉnh và nhân dân cả nước, nhân dân trên địa bàn phường chào mừng ngày hòa bình độc lập thống nhất đất nước và bắt tay vào khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống.

     Trong công cuộc khôi phục hàn gắn vết thương chiến tranh, nhân dân trên địa bàn phường Thanh Bình phải đối mặt với nhiều thách thức do hậu quả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ để lại … nhưng những người dân trên địa bàn phường đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất xây dựng lại thị xã, cải thiện đời sống, tạo những tiền đề ban đầu cho việc thành lập phường sau này.

BBT

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
546539

Trực tuyến: 1

Hôm nay: 20

Hôm qua: 23